Quản lý tốt các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh ưu điểm của loại hình dịch vụ cầm đồ là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trong việc vay tiền giải quyết công việc thì hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang có biểu hiện phát triển, kinh doanh trái các quy định của pháp luật, kéo theo sự phát triển của các loại tội phạm như cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, xiết nợ, cố ý gây thương tích, đây cũng là hoạt động làm nguồn gốc phát sinh các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính bạo lực, côn đồ theo kiểu “xã hội đen”…
Để quản lý chặt chẽ hoạt động này theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, với vai trò chức trách được giao, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 04/11/2016 về tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động “Tín dụng đen” và hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch 1148/KH-CAT-PV11 ngày 29/11/2016 để thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh; ban hành Công văn số 220/CAT-PV11 ngày 16/3/2017 về phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động “Tín dụng đen” và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh.

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ và các văn bản chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền về công tác này.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết đến 100% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Ba là, nâng cao công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, địa bàn, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật, là nguồn gốc phát sinh các loại tội phạm khác, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ.
Bốn là, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đề xuất, kiến nghị phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này để kịp thời để sửa chữa, chấn chỉnh.
Năm là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.